Dưới sự hỗ trợ, kết nối của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản, sáng 31/3, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh với Hội Chuyên gia Việt Nam – Nhật Bản.
Dự buổi làm việc có ông Trần Đăng Xuân, Giáo sư tại Đại học Hiroshima, Chủ tịch Hội Chuyên gia Việt Nam – Nhật Bản (Vietnam – Japan Specialist – VJS), Chủ tịch Hội Người Việt tại Nam Trung Nhật Bản; đại diện lãnh đạo nhiều sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản được VJS kết nối.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đã thông tin một số nét về tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hải Dương trong thu hút đầu tư. Hải Dương có hạ tầng giao thông thuận lợi, rất gần cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối gần với sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), ngoài ra còn có sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) đang xây dựng. Nguồn lao động Hải Dương có tay nghề, chịu khó học hỏi. Ngoài ra, tỉnh đang thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị VJS cung cấp các thông tin cụ thể, chi tiết hơn trong thời gian tới; phối hợp các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh nhằm nghiên cứu, xây dựng phương án hợp tác linh hoạt. Phối hợp các trường đại học của Hải Dương để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giảm các chi phí liên quan cho người lao động khi sang Nhật Bản làm việc…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu mong muốn Hải Dương, VJS cùng các doanh nghiệp, đơn vị liên quan sẽ sớm xây dựng đầu mối liên lạc, trao đổi thêm thông tin chi tiết nhằm cụ thể hóa nhu cầu hợp tác đầu tư được nêu tại buổi làm việc; giao Giám đốc Sở Công thương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm đầu mối phối hợp với VJS.
Tại buổi làm việc, Giáo sư Trần Đăng Xuân đã giới thiệu đôi nét về sự phát triển của tỉnh Hiroshima, 1 trong 5 vùng kinh tế trọng điểm của Nhật Bản. Đặc biệt, đây là địa phương có thế mạnh về công nghiệp bán dẫn, với 99 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, sở hữu công nghệ hiện đại. VJS sẽ khuyến khích các doanh nghiệp này đến tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh trong thời gian tới. Ngoài ra, đại diện VJS cũng cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, có nhu cầu tìm hiểu, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực kho lạnh, ứng dụng trong bảo quản nông sản; đóng tàu; xử lý môi trường, nhất là công nghệ xử lý chảy dầu, rò rỉ hóa chất, nước thải độc hại.
Về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Hải Dương là địa phương có thế mạnh, từ nguồn nông sản đa dạng đến hạ tầng giao thông kết nối, gần cảng biển. Do vậy, theo đánh giá từ VJS, cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực này rất tiềm năng. Giáo sư Trần Đăng Xuân khẳng định ngay sau buổi làm việc, VJS sẽ thiết lập nhóm liên hệ theo đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu để hiện thực hóa các nội dung dự kiến hợp tác.
Đại diện phía doanh nghiệp Nhật Bản, ông Iri Kazuaki, Tổng Giám đốc Công ty Dentsu Kensetsu (Kagoshima, Nhật Bản) giới thiệu đôi nét về doanh nghiệp; đồng thời đánh giá cao nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, ngoài văn phòng đã mở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp này đang nghiên cứu mở văn phòng tại Hải Dương, mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh trong vấn đề này.
Buổi làm việc được tổ chức trên cơ sở văn bản đề nghị của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là doanh nghiệp từ tỉnh Kagoshima và Hiroshima vào Hải Dương. Qua đó nhằm trao đổi, tìm hiểu cơ hội đầu tư và mở thêm văn phòng chi nhánh tại Hải Dương của Công ty Dentsu Kensetsu (doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế xây dựng, đã có văn phòng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh); tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, đầu tư vào khu công nghiệp, cùng các cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp khác./.